Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?

Đã bao giờ bạn cảm thấy buồn bã, chán nản hoặc mệt mỏi vào mùa đông hoặc có những ngày “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” ? Nếu vậy, bạn có thể đang trải qua chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Đây được coi là một chứng rối loạn thần kinh phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Vậy bạn đã hiểu gì về rối loạn cảm xúc theo mùa, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chứng bệnh này. Cùng Blight tìm hiểu ngay nhé!

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD): Những điều cần biết

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa hay còn gọi trầm cảm theo mùa (viết tắt là SAD – Seasonal Affective Disorder) là một thuật ngữ chỉ trạng thái tâm lý phổ biến, đặc biệt là trong những tháng đông lạnh giá hoặc những tháng nắng nóng của mùa hè. Đây là một loại rối loạn tâm lý khiến con người luôn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung và đôi khi cảm thấy u sầu, tuyệt vọng.

Rối loạn cảm xúc theo mùa là một loại rối loạn tâm lý phổ biến, ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của con người trong một khoảng thời gian nhất định trong năm. Đây là một vấn đề khá phổ biến và thường xảy ra vào mùa đông hoặc mùa thu ở những vùng có khí hậu lạnh và ít ánh sáng như Bắc Âu, Bắc Mỹ và các nước châu Á.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Rối loạn cảm xúc theo mùa SAD là gì?

Trầm cảm theo mùa được cho là do sự thay đổi của ánh sáng, nhiệt độ và thời tiết. Khi thời tiết thay đổi, cơ thể con người cảm nhận được sự thay đổi này thông qua các cảm giác về ánh sáng và nhiệt độ. Điều này có thể gây ra rối loạn cảm xúc, gây khó khăn trong việc ngủ và tập trung, thậm chí ảnh hưởng đến tâm trạng của con người.

Những điều cần biết về chứng rối loạn cảm xúc theo mùa SAD

Triệu chứng của bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa

Người mắc chứng bệnh SAD có xu hướng khoẻ mạnh, tâm trạng và suy nghĩ, cảm xúc bình thường trong hầu hết các tháng nhưng lại trở nên u uất, trầm cảm vào những ngày không có nắng, nhất là khi mùa đông đến. Và triệu chứng của người mắc rối loạn cảm xúc theo mùa rất đa dạng:

– Có người luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, mất hứng thú với các các hoạt động xung quanh, xu hướng thu mình với xã hội, thèm ăn và tăng cân không kiểm soát
– Một số khác lại có tình trạng mất ngủ, giảm thèm ăn, sụt cân, bối rối, lo âu
– Có người lại mắc phải rối loạn cảm xúc theo mùa ngược với các biểu hiện suy nghĩ và nói nhanh, hiếu động thái quá, không kiểm soát được hành vi của mình…

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Triệu chứng mắc SAD rất đa dạng

– Nghiêm trọng hơn cả, có những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng SAD nặng luôn cảm thấy tuyệt vọng, cảm thấy mình là người vô dụng và thường xuyên nghĩ đến việc tự sát.

Một số triệu chứng khác của chứng trầm cảm mùa đông có thể kể đến như: Ngủ quá nhiều, luôn thèm ăn những đồ ăn chứa nhiều Carbohydrate, rơi vào trạng thái “ngủ đông” luôn xa lánh xã hội.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm theo mùa kiểu mùa hè: Thường xuyên mất ngủ, chán ăn, luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và kích động.

Đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa

Bất kể ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm theo mùa SAD nhưng phổ biến nhất trong độ tuổi 18 – 30. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, tỷ lệ nữ giới mắc rối loạn cảm xúc theo mùa SAD cao hơn nam giới nhưng nam giới lại có triệu chứng nặng hơn. Những người sống gần Bắc bán cầu – nơi có thời gian ban ngày ngắn hơn vào mùa đông sẽ dễ mắc phải bệnh này hơn.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh SAD nhiều hơn nam giới

Trên thế giới, một số người nổi tiếng đã bị mắc hội chứng SAD có thể kể đến như: Tiểu thuyết gia & biên kịch người Mỹ – Barbara Hambly; nữ diễn viên và phát thanh viên người Mỹ gốc Canada – Jillian Barberie; diễn viên hài & tác giả người Mỹ – Rosie O’Donnell…

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm theo mùa

Xét trên góc độ y học, Hiệp hội Tâm thần tại Mỹ cho biết nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn cảm xúc theo mùa SAD là do sự thay đổi theo mùa và con người ít có tiếp xúc với ánh nắng dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh hoá trong não. Đa số bệnh nhân mắc trầm cảm theo mùa thường phát bệnh vào mùa thu và tiếp tục trong các tháng của mùa đông, riêng mùa xuân và đầu hè hầu như không xuất hiện tình trạng này.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chứng rối loạn cảm xúc theo mùa SAD có liên quan mật thiết đến nhịp sinh học. Đồng hồ sinh học giúp cơ thể hoạt động nhịp nhàng tương ứng với từng thời điểm mặt trời mọc và lặn. Vùng hạ đồi nằm ở đáy não chứa một nhóm tế bào thần kinh ở một vị trí đặc biệt gọi là nhân trên giao thoa thị giác hay SCN. Các tế bào thần kinh này thu thập thông tin về ánh sáng từ thần kinh thị giác và dùng thông tin đó để điều hòa nhịp điệu sinh học hằng ngày.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là gì?

Nhân trên giao thoa thị giác truyền thông tin này đến tuyến tùng, một cấu trúc nhỏ dạng hình nón nằm gần vùng hạ đồi. Khi xung quanh trở nên tối, tuyến tùng sẽ tiết ra hoóc-môn Melatonin – một chất có liên quan về mặt hóa học với Serotonine. Melatonine giúp chúng ta điều hòa nhịp tim và thân nhiệt, để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Khi xung quanh có quá nhiều ánh sáng, tuyến tùng sẽ ngừng tiết ra Melatonin và điều đó dẫn đến nhịp tim và thân nhiệt của bạn tăng lên giúp cho bạn tỉnh táo.

Nói một cách dễ hiểu, bệnh SAD do tác động của sự thay đổi ánh sáng theo mùa đến cơ thể con người. Vào những ngày mùa đông, thời gian ban ngày ngắn và trời có xu hướng tối hơn, nội tiết tố liên quan đến giấc ngủ Melatonin được sản sinh nhiều hơn và liên kết với bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, sự sụt giảm Serotonin – một hoá chất trong não giúp dẫn truyền thần kinh có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng con người, cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Bệnh trầm cảm theo mùa do đâu?

Hậu quả của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa

Hậu quả của bệnh trầm cảm theo mùa có thể rất đáng lo ngại và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con người. Những triệu chứng của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có thể gây ra sự suy giảm sức khỏe về mặt tâm lý và thể chất. Các triệu chứng này bao gồm cảm giác buồn chán, lo âu, mệt mỏi, khó ngủ, suy giảm năng lượng và tập trung. Bệnh SAD cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thể chất như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, bệnh vai gáy, huyết áp cao, vấn đề sinh lý…

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội và tình cảm của con người. Vì những triệu chứng này có thể làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và mất hứng thú với cuộc sống, họ trở nên xa lánh xã hội và tự cô lập bản thân trong trường học, nơi làm việc… Khi thường xuyên gặp phải cảm xúc tiêu cực, người bệnh sẽ lạm dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện). Nếu không được chữa trị kịp thời, chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm nặng và tự tử.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Hậu quả của bệnh SAD

Do đó, việc nhận biết và điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa là rất quan trọng để giúp người bệnh phục hồi sức khỏe tâm lý và tránh những hậu quả tiêu cực của bệnh. Nếu bạn hay ai đó trong gia đình và bạn bè của bạn có các triệu chứng liên quan đến chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách điều trị hiệu quả rối loạn cảm xúc theo mùa

Một số kỹ thuật y học giúp chẩn đoán bệnh trầm cảm theo mùa (bệnh SAD)

  • Khám bệnh: Một số trường hợp, bệnh SAD gặp phải có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe thể chất, do đó bằng cách khám bệnh và thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe, bác sỹ sẽ chẩn đoán xem bạn có mắc SAD hay không.
Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Khám bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa SAD
  • Khám tâm lý: Bác sỹ tâm lý sẽ có những bài kiểm tra đánh giá tâm lý cảm xúc, tâm lý, hành vi để có những kết luận chính xác hơn.
  • Xét nghiệm: Bằng việc xét nghiệm máu hay xét nghiệm tuyến giáp, cũng có thể xác định được bệnh SAD, do tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc giải phóng các hormone đảm bảo sự phát triển của cơ thể. 

Các phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm theo mùa 

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Các phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm theo mùa SAD

Sử dụng tâm lý trị liệu để chữa bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa: Liệu pháp này có thể giúp bạn xác định và thay đổi các suy nghĩ, hành vi tiêu cực cũng như các biện pháp lành mạnh để quản lý cảm xúc và kiểm soát tâm trạng.

Liệu pháp ánh sáng (phototherapy) chữa bệnh SAD:  Đây được coi là một trong những phương pháp chữa trị hội chứng SAD hiệu quả nhất. Bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với ánh sáng chói (ánh sáng từ nguồn sáng huỳnh quang đặc biệt) mô phỏng ánh sáng tự nhiên trong thời gian 30 – 90 phút mỗi ngày/ một lần.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Điều trị SAD bằng cách luyện tập thể thao

Thời điểm thích hợp nhất là buổi sáng. Hoặc cho người bệnh thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào mỗi buổi sáng hay buổi chiều nắng dịu để điều chỉnh lượng hooc-mon Melatonin, hấp thụ vitamin D và ổn định nồng độ Serotonin trong não. Tuy nhiên, cần chú ý khi thực hiện liệu pháp này cần có sự giám sát của bác sỹ. 

Thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sỹ và các loại vitamin (D3).

Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học và tạo dựng thói quen, lối sống lành mạnh, tích cực.

Bạn có đang bị rối loạn cảm xúc theo mùa SAD?
Bổ sung vitamin D để chữa bệnh trầm cảm theo mùa

Một số phương pháp chữa trị khác như: Yoga, thiền, châm cứu, massage trị liệu…

Mong rằng với những chia sẻ trên đây của Blight, bạn đọc đã hiểu hơn về hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (bệnh SAD). Đây là chứng rối loạn tâm lý đặc biệt với các triệu chứng bệnh thay đổi vào mỗi thời điểm trong năm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh trầm cảm theo mùa, sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tinh thần của người mắc. Hiểu đúng về SAD sẽ giúp bạn sẽ có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh khỏi chứng bệnh nguy hiểm này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *